Mã vạch là gì? Có những loại mã vạch nào?
Nhiều bạn chắc hẳn đã thấy trên sản phẩm mình mua có những đường gạch. Bạn cũng đã biết nó gọi là gì. Thế nhưng bạn có thật sự biết được mục đích hay ý nghĩa của nó chưa? Và những loại mã bạn thường thấy chỉ là một bộ phận nhỏ thôi. Vậy mã vạch là gì? Nó có ý nghĩa ra sao? Có bao nhiêu loại mã vạch? Và một mã vạch gồm những gì? Hãy cùng xem bài này để hiểu rõ hơn nha.
Định nghĩa mã vạch, ý nghĩa, cách xem và các loại mã vạch thông dụng
1. Mã vạch căn bản là gì?
Mã vạch – tiếng Anh là Bar-code - là một đơn vị truyền tải thông tin hiển thị trên bề mặt của sản phẩm. Tuy là hiển thị trên bề mặt nhưng mắt thường không thể đọc. Ngôn ngữ trên mã vạch chỉ để cho một số máy đọc mã vạch tốt để giải mã dữ liệu. Những máy này có khả năng quét bằng tia quang học để nhận diện mã. Từ thông dụng hơn cho chúng chính là thiết bị mã vạch.
Bạn có thể tham khảo các thiết bị chuyên đọc mã vạch để biết chúng như thế nào.
1.1. Mã vạch được máy đọc như thế nào?
Máy đọc sẽ dùng ánh sáng qua thấu kính để hội tụ ánh sáng tại mã vạch. Ánh sáng này sau đó sẽ được thu về một điểm cảm quang trên máy. Điểm này sẽ chuyển mã vạch thành tín hiệu điện. Từ đó tín hiệu này sẽ chuyển ra ngoài đến những thiết bị cần thông tin này như máy tính. Dĩ nhiên khi đến với máy tính thì các thiết bị quét mã vạch này sẽ có công nghệ để chuyển thành tín hiệu phù hợp hơn.
1.2. Mã vạch hay được dùng trong trường hợp nào?
Chắc bạn cũng dễ dàng đoán ra được là mã vạch được dùng để in lên sản phẩm. Chúng được dùng để quản lý và giám định xuất xứ của sản phẩm. Đúng vậy, bạn có thể dễ dàng biết được một món hàng xuất xứ từ đâu và cả công ty làm ra nó. Chi tiết hơn tôi sẽ nói rõ ở dưới.
Tuy nhiên đó chỉ là 1 trong những công dụng của mã vạch thôi. Mã vạch còn được dùng để lưu trữ thông tin cho những lĩnh vực khác, không riêng gì hàng hóa.
2. Có những loại mã vạch nào?
Bắt đầu được sử dụng chính thức từ năm 1952, mã vạch đã được cải tiến khá nhiều. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại mã vạch. Tùy theo cấu tạo mà chúng có nhiều công dụng khác nhau hoàn toàn. Có khá nhiều loại mã đấy, nên tôi sẽ cố gắng ngắn gọn nhất có thể.
2.1. Mã vạch 1D
Mã vạch 1D là gì? Nó là một đoạn mã tập hợp những đường kẻ dọc để mã hóa thông tin. Đúng vậy, những mã bạn nhìn thấy ở siêu thị hay cửa hàng chính là nó. Có nhiều loại mã xoay quanh dạng 1D này. Tùy theo các loại nội dung và thông tin mà sẽ có các dạng khác nhau. Tóm gọn phân loại như sau:
a. Numeric (Chỉ số - từ 0 đến 9)
UPC-A
UPC-E
EAN 13
EAN 8
Industrial 2 of 5
Interleaved 2 of 5
Codabar
Code 11
b. Alpha-numeric (0-9 và A-Z)
Code 39
Code 93
c. ASCII (0 – 127, A-Z và các kí tự đặc biệt)
Code 128
2.1.1. Mã UPC – A
UPC là viết tắt của Universal Product Code và có 2 loại A và E. UPC – A được sử dụng từ năm 1971. Và từ đó đến nay nó có mặt hầu hết trong mọi hàng tiêu dùng được bày bán. Các siêu thị đều có mã này. Sách, tạp chí hay báo cũng không ngoại lệ. Được cấu tạo bới 12 số. Trong đó cấu trúc như sau:
Số đầu tiên chứa thông tin về loại sản phẩm.
5 số tiếp theo là chứa thông tin về nhà sản xuất.
5 số sau đó là thông tin chi tiết về sản phẩm đã được mã hóa.
Số cuối cùng để phát hiện lỗi trong mã (nếu có).
Ứng dụng thì mã này có hầu hết trong các sản phẩm bán lẻ, hàng tiêu dùng.
2.1.2. Mã UPC – E
Mã UPC – E là một mã “ngắn gọn hơn” của UPC – A. Bằng chứng là mã E loại bỏ hết những số 0 không cần thiết có trong đoạn mã. Nên thường độ ngắn nhất của mã E là vào khoảng ½ so với mã A. Cũng như mã A, cả 2 đều được dùng trong các sản phẩm bán lẻ, hàng tiêu dùng. Chúng đều không yêu cầu loại mã phức tạp.
Điểm khác duy nhất là mã vạch UPC – E dùng cho những sản phẩm có không gian hẹp. Những sản phẩm này không có đủ không gian để gắn mã UPC – A.
2.1.3. Mã EAN 13
Mã vạch EAN 13 (European Article Number). Loại mã này được các nước Châu Âu rất hay dùng. Đây là dạng mã gồm 13 số, là nâng cấp của mã UPC - A. Nên bất cứ phần mềm hay thiết bị đọc mã vạch nào đoc được EAN, thì chắc chắn đọc được UPC – A. Cấu tạo 13 số bao gồm:
3 số đầu tiên thể hiện mã
số quốc gia nơi sản phẩm xuất xứ.
4 hoặc 5 số sau là mã công ty sản xuất ra sản phẩm.
5 hoặc 4 số tiếp đó là mã của sản phẩm (có thông tin).
Số cuối để check lỗi.
Hầu hết các nước trên thế giới đều dùng chung mã EAN 13 cho các sản phẩm xuất hay nhập khẩu. Nên cac sản phẩm có thể đọc được EAN 13 thường sẽ thân thiện hơn với mặt hàng ngoại địa. Nhiều nước trên đều sử dụng mã vạch quốc tế cho việc giao thương này.
2.1.4. Mã vạch EAN 8
Công dụng của mã này với EAN 13 cũng giống như UPC – E cho UPC – A vậy. Các sản phẩm tiêu dùng không có đủ chỗ cho mã EAN 13 thì sẽ dùng đến mã này. Cấu tạo như sau:
3 số đầu cho mã quốc gia.
4 cho mã sản phẩm và cơ sở sản xuất.
Số cuối cho phần kiểm tra mã.
Các sản phẩm bạn có thể thấy nó bao gồm:
Kẹo nhỏ
Sing-gum dạng thẻ dài
Bút chì
Bao thuốc lá nhỏ
2.1.5. Mã Industrial 2 of 5
Loại mã vạch này có từ những năm 60. Nó sử dụng dạng thông tin lưu trong 5 thanh mã. 2 trong số 5 thanh đó luôn có độ dày lớn hơn 3 thanh còn lại. Thông tin được mã hóa vào trong độ dày của thanh mã đó. Khoảng cách giữa các thanh mã chỉ nhằm mục đích tách chúng ra thôi.
Mã 2 of 5 thường dùng trong công nghệ làm cuộn phim thương mại, vận chuyển hàng hóa. Quản lý kho và đánh số vé máy bay cũng có cần đến nó.
2.1.6. Mã Interleaved 2 of 5
Mã vạch Interleaved 2 of 5 hay còn gọi là mã xen kẽ. Mã này cũng là một phiên bản gọn hơn của Industrial. Tuy nhiên nó còn là một bản nâng cấp nữa. Mã này cho phép bạn mã hóa không những vào nhiều rộng của thanh mã. Mà bạn có thể mã hóa vào khoảng trống giữa các thanh nữa.
Với khả năng chống chịu tốt, mã xen kẽ còn có thể được in lên giấy cạc tông răng cưa. Vì vậy mà việc in nhãn hiệu, đóng gói và quản lý chuỗi cung ứng cần đến loại mã vạch này. Chỉ cần xem mã vạch là bạn có thể nhận ra nó khác với mã 2 of 5 thường.
2.1.7. CodaBar
Codabar là một trong những mã 1D khá phức tạp và có tính bảo mật cao. Lý do là vì nó có thể mã hóa 4 kí tự đặt biệt là +, :, / và cả dấu chấm. Cấu tạo lên đến 16 kí tự bao gồm 4 chữ mở đầu và kết thúc mã. Các kí tự ở giữa là thông tin về sản phẩm và nơi sản xuất. 2 bộ mã mở đầu và kết thúc này đi theo cặp và không lặp lại trong đoạn mã. Mã này tự điều chỉnh nên không có kí tự cuối để kiểm tra lỗi.
Mã vạch Coda rất tốt trong việc bảo vệ thông tin. Nên vì vậy mà nó rất có ích trong các ngành nghề đòi hỏi bảo mật. Y tế, chuỗi cung ứng, thư viện đều sẽ cần sự trợ giúp của CodaBar.
2.1.8. Code 11
Code 11 cũng là một dạng mã vạch 1D nữa có tính bảo mật khá tốt. Được cấu tạo một cách linh hoạt với nhiều cách mã hóa khác nhau. Một kí tự thường được cấu tạo bởi 3 thanh mã và 2 khoảng trống. Nhưng chúng có thể được thay đổi linh hoạt với nhau. Trong mã cũng có dấu gạch ngang và các kí tự bắt đầu và kết thúc mã. Một hay hai kí tự để đảm bảo tính thống nhất của mã vạch cũng có mặt.
Nếu mã code dài trên 10 kí tự thì sẽ cần 2 kí tự check này. Dưới 10 thì chỉ cần 1 kí tự để duy trì nó. Code 11 thường dùng trong ngành điện tín (liên lạc bằng dây cáp).
2.1.9. Mã vạch 39
Mã vạch 39 và cả 2 mã vạch tiếp theo sau nó cũng thuộc các loại mã phức tạp. Lý do có cái tên 39 này là vì nó có thể mã hóa 39 loại kí tự. Trong đó bao gồm bảng chữ la tinh, số 0 – 9 và một số kí tự đặc biệt (-, ., $, /, +, %, và khoảng trắng). Dấu sao (*) được dùng để đánh dấu bắt đầu hoặc kết thúc mã. Code 39 hiện tại rất thông dụng và được giải mã bởi hầu hết các thiết bị đọc mã vạch.
Điểm trừ của mã 39 là mật độ nội dụng của nó khá thấp. Trong khi mã lại khá là dài. Nên những sản phẩm có ít không gian thì mã 39 là không phù hợp. Tuy nhiên, nó vẫn được ứng dụng trong oto, y tế, hậu cần, bưu chính, vv..
2.1.10. Mã vạch 93
Là một phiên bản cải tiến của mã 39, mã vạch 93 có độ bảo mật và khả năng mã hóa tốt hơn. Khả năng lên đến 47 kí tự so với 43 của mã 39. Các kí tự in hoa cũng có thể mã hóa bằng mã này. Loại mã vạch này có một điểm cộng là gì? Là nó nhỏ gọn hơn khoảng 25% so với mã 39. Mật độ thông tin trong mã này cũng nhiều hơn so với 39.
Code 93 được ứng dụng trong quản lý chuỗi cung ứng. Các dạng như nhận diện mặt hàng, dán nhãn linh kiện điện tử, vv.. cũng cần nhờ đến loại mã này.
2.1.11. Code 128
Đây là dạng mã vạch tuyến tính nhiều chức năng và cũng vô cùng phổ biến. Nó là một bước đi xa hơn so với 39 vì mật độ dày của mã và cơ sở lựa chọn dữ liệu kí tự tốt hơn. Sử dụng bộ kí tự ASCII nên mã 128 rất nhiều thông tin. Một mã được chia thành bới 3 thành phần con với 3 kí tự bắt đầu khác nhau. Thành phần A và B đều chứa ASCII, kí tự, chữ in hoa và thường. Bộ A thì có thêm bộ mã điều khiển.
Bộ thứ 3 – bộ C – có 2 kí tự được mã hóa (00 – 99) tạo nên mật độ dày tốt. Điều đó làm cho mã 128 bảo mật thông tin tốt hơn. Vì vậy mà các ngành có dụng lượng thông tin lớn và in mã vào những nơi ít không gian thì cần Code 128 này.
2.2. Mã vạch 2D là như thế nào?
Thật ra nhiều bạn đã thấy được đơn cử của một mã vạch 2D để nhận biết nó là gì. Mã 2 chiều (Two Dimensional Barcode) được cấu tạo bởi các hình vuông hoặc tam giác. Mã 2D có thư viện kĩ tự mã hóa lớn hơn 1D nên sẽ lưu trữ được nhiều thông tin hơn. Chính vì vậy mà những máy có chức năng giải mã vạch 2D sẽ có cấu trúc phức tạp hơn. Mã 2D đa số chỉ hỗ trợ bộ chữ ASCII.
2.2.1. Mã QR
Bạn có nhớ tôi nói đến đơn cử 2D không? Mã QR chính là thứ mà tôi nói đến đấy! Mã vạch này căn bản là một mã ma trận dựng nên bởi các ô đen và trắng. Mã được thiết lập để mang lại tốc độ đọc cao. Một máy CCD (Charge-Coupled Device) có thể đọc 30 mã QR 1 giây. Kèm đó là 100 kí tự trong 1 mã trên 1 giây.
Mã QR hỗ trợ đến 360o quét, kèm theo đó là 3 mẫu công cụ tìm nằm ở 3 góc. Ba góc đó sẽ hỗ trợ máy CCD đo độ lớn, chiều và độ dày của mã.
Một mã QR có mật độ thông tin rất dày. Nó có thể mã hóa 1817 Hán tự, 7089 số và 4296 kí tự tiếng Anh. Điểm “bá đạo” của nó là có 4 lớp chống lỗi. Nên kể cả khi bị hỏng, mã QR thường vẫn được đọc rất chính xác.
Chính vì tính đột phá này mà mã QR có nhiều ứng dụng. Quảng cáo, lưu trữ để đồng bộ, thanh toán, đăng nhập web và nhiều nữa.
2.2.2. Mã PDF417
Mã vạch PDF417 là một trong những loại mã chồng được ứng dụng khá phổ biến. Nó gồm 90 hàng mã tuyến tính 1D được xếp chồng lên nhau. Mỗi một mẫu mã hóa trong mã vạch này có 4 thanh mã và khoảng trống. Một hàng có tối đa 17 đơn vị, nên với có cái tên 417 như vậy.
Mã PDF417 được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Nhưng quản lý tồn kho hay thẻ căn cước cũng có cần đến mã này. Một số nước phát triển như Mỹ cũng dùng nó để gắn vào bằng lái xe.
2.2.3. Ma trận dữ liệu (Data Matrix)
Mã QR có thể nhỏ, nhưng Data Matrix còn nhỏ hơn. Thật ra, nó là loại mã nhỏ nhất trong dòng mã vạch 2D này. Ma Trận được thiết kế với thuật toán kiểm tra và fix lỗi mã tiên tiến. Nó thật sự đáng kinh ngạc đến mức khi mã bị hỏng đến 60% vẫn có thể được nhận diện. Nó nhìn qua giống mã QR như không có 3 góc nhận diện.
Chính vì những công dụng trên mà Data Matrix là loại mã vạch sử dụng cho những sản phẩm dễ ảnh hưởng do nhiệt. Những con chip điện tử, máy tính, bo mạch, hay dụng cụ nha khoa. Một mã vạch Data Matrix có thể nhỏ khoảng 2.5mm.
3. Cách kiểm tra mã số mã vạch sản phẩm
Các kiểm tra sản phẩm này chỉ có thể làm được với mã 1D dạng EAN thôi nhé! Các mã 2D thì phải có máy đọc chuyên dụng cho chúng. Cách kiểm tra này để xem số thứ 13 – Số kiểm tra – có trùng với kết quả ra hay không. Đây là cách xem mã số của mã vạch trên sản phẩm khá thông dụng.
Ví dụ: Tôi có mã số hàng hóa EAN – 13 như sau:
8935217400157 (Mã mình lấy từ Google chứ không bịa đâu).
3.1. Tra mã số mã vạch của hàng hóa trên
Tách ra 3 phần như cấu trúc của mã EAN-13 tôi đã đề cập:
Phần 1: 893
Phần 2: 52174
Phần 3: 0015
Phần 4: 7
893 là mã vạch sản phẩm của Vietnam. Với các mã khác bạn cũng nên tách tương tự như vậy. Bạn có thể tham khảo danh sách mã số mã vạch quốc tế để tham khảo.
3.2. Kiểm tra mã
Vẫn lấy mã ở trên, bạn lấy các số nằm ở vị trí chẵn và lẻ từ phải sang trái. Số cuối cùng bỏ ra không tính vì đó sẽ là số đối chiếu.
Các số vị trí lẻ: 5, 0, 4, 1, 5, 9.
Các số vị trí chẵn: 1, 0, 7, 2, 3, 8.
Cộng các số ở vị trí lẻ lại như sau: 5 + 0 + 4 + 1 + 5 + 9 = 24.
Sau đó bạn lấy kết quả đó nhân cho 3: 24 x 3 = 72 (1).
Tiếp theo, cộng các số ở vị trí chẵn lại: 1 + 0 + 7 + 2 + 3 + 8 = 21 (2).
Cộng (1) và (2) lại với nhau: 72 + 21 = 93 (3).
Lấy giá trị của (3) làm tròn theo số lớn hơn và gần nhất là bội của 10. Trường hợp này là 100. Lấy 100 đó trừ đi (3) sẽ ra số cần kiểm tra: 100 – 93 = 7 (4).
So sánh 4 với số thứ 13 bạn chừa ra. Nếu giống nhau thì mã này đã khá chuẩn rồi. Trường hợp này là giống nhau. Lưu ý, cách này không dùng để kiểm tra hàng thật hay giả. Vì công nghệ giả mã khá tính vi rồi. Chủ yếu để xem mã có bị lỗi hay sai mà thôi nhé.
4.Tổng kết về định nghĩa mã vạch
Qua bài này các bạn đã nắm khá chi tiết mã vạch là gì. Thêm vào đó cách phân biệt các loại cũng như kiểm tra mã số mã vạch rồi. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn loại mã phù hợp cho lĩnh vực bạn muốn đi.